Thông số chung về cá Mặt Hề
Mức Độ Chăm Sóc |
Dễ |
Tính Cách |
Hiền Lành |
Màu sắc |
Cam, Đen, Trắng, Đỏ |
Chế độ ăn |
Ăn Tạp |
Thân thiện với rạn san hô (Reef Compatible) |
Có |
Điều kiện nước |
Độ mặn 1.020-1.025, 22 tới 26°C (Giới hạn nhiệt độ: 30°C), dKH 8-12, pH 8,1-8,4 |
Kích thước tối đa |
18 cm |
Khu vực phân bố (Origin) |
Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Great Barrier ( Úc ), Biển Đỏ… |
Họ (Family) |
Pomacentridae |
Kích thước bể tối thiểu |
75 lít nước (20 gallon) |
Tổng Quan về cá Mặt Hề
Cá Mặt Hề còn được gọi là cá nemo hay cá hải quỳ tên tiếng anh là anemonefish hay clownfish. Đây tên gọi chung chung của các cá thể nằm trong phân họ Cá Mặt Hề ( Amphiprioninae ) thuộc gia đình họ Cá thia ( Pomacentridae ).
Cá Mặt Hề sống ở các vùng nước ấm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm dải san hô Great Barrier ( Úc ) và Biển Đỏ. Trong khi một số loài phân bố hạn chế, số khác lại sống trải rộng. Cá Mặt Hề sống ở dưới đáy các vùng biển nông trong những vùng đá ngầm hoặc đầm phá ao cạn. Không có loài Cá Mặt Hề nào sống trong Đại Tây Dương.
Cho đến nay, hơn ba mươi loài Cá Mặt Hề đã được phát hiện: một số thuộc chi Premnas, trong khi số còn lại thuộc chi Amphiprion. Tùy thuộc mỗi loài, Cá Mặt Hề có màu vàng, cam, đỏ nhạt, đen nhạt xen bởi các sọc trắng. Những cá thể lớn nhất có thể dài tới 18 cm, trong khi loài nhỏ nhất chỉ cỡ 10 cm.
Đặc Điểm Cá Mặt Hề
Cá Mặt Hề và hải quỳ biển có mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Hải quỳ biển bảo vệ chúng khỏi kẻ thù, cũng như cung cấp thức ăn qua phần dư thừa bỏ lại từ những bữa ăn của hải quỳ và thỉnh thoảng là các xúc tu quỳ đã chết. Đổi lại, Cá Mặt Hề bảo vệ hải quỳ khỏi những kẻ thù của nó như ký sinh trùng. Hải quỳ cũng có khả năng thu nạp chất dinh dưỡng từ phân của Cá Mặt Hề. Lượng Nitơ bài tiết từ Cá Mặt Hề làm tăng số lượng tảo đưa vào mô của vật chủ, giúp hải quỳ phát triển mô và tái sinh.
Có nhiều giả thuyết lý giải cách Cá Mặt Hề tồn tại mà không bị hải quỳ nhiễm độc:
- Dịch nhầy bao ngoài con cá cấu tạo bởi đường hơn là protein. Từ đó, hải quỳ không thể nhận ra Cá Mặt Hề để tấn công bằng các tế bào châm ngứa.
- Sự đồng tiến hóa của các loài Cá Mặt Hề và hải quỳ đã làm cho Cá Mặt Hề miễn dịch được với chất độc của hải quỳ. Thí nghiệm đã cho thấy Cá Mặt Hề Amphiprion percula có thể tự chống lại chất độc từ loài hải quỳ Heteractis magnifica , nhưng không được hoàn toàn, một khi da không còn chất nhầy, chúng lập tức bị hải quỳ tấn công.
Nemo và Hải Quỳ
Giới tính cá Mặt Hề
Hầu hết Cá Mặt Hề là loài lưỡng tính tuần tự, nghĩa là chúng luân phiên giữa giới tính đực và cái ở một số thời điểm trong cuộc đời. Bầy Cá Mặt Hề thường bao gồm con đực sinh sản, con cái và một vài con tuổi vị thành niên giúp trông nom đàn.
Mặc dù nhiều con đực cùng sinh sống trong một môi trường với một con cái duy nhất, chế độ đa phu lại không diễn ra và chỉ có cặp trưởng thành biểu hiện hành vi sinh sản.
Nếu con cái đầu đàn của cả nhóm chết, con đực đầu đàn sẽ thay đổi giới tính và trở thành con cái gây giống. Trong khi đó, một con khác lớn nhất trong bầy lại được nâng cấp lên trở thành con đực gây giống. Đặc điểm này nhằm ngăn chặn sự xung đột bằng việc giảm sự cạnh tranh giữa những con đực với một con cái.
Thức Ăn của Cá Mặt Hề
Chúng là loài ăn tạp và có thể ăn những thức ăn không tiêu hóa từ vật chủ hải quỳ. Thức ăn chủ yếu là các loài động vật phù du nhỏ trong nước, chẳng hạn như các loài giáp xác chân chèo và một số loài ấu trùng sống. Ngoài ra, chúng còn có thể tiêu hóa hết các xúc tu đã chết của vật chủ hải quỳ.
Trong bể cá cảnh, chúng có thể chấp nhận hầu hết các loại thức ăn dành cho cá biển. Thức ăn của chúng có thể là thức ăn vụn đóng gói, thức ăn đông lạnh, đồ khô làm lạnh hoặc thức ăn sống,..
Khi nuôi, cung cấp cho chúng thật nhiều các loại thức ăn khác nhau dành cho cá biển. Thực phẩm giàu vitamin cũng có thể giúp duy trì màu sắc của cơ thể. Việc bổ sung đa dạng loại thức ăn sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng, giúp góp phần giảm bớt sự hung hăng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cá Mặt Hề Tại Việt Nam
Amphiprion Ocellaris là một loài Cá Mặt Hề được nuôi cảnh phổ biến tại Việt Nam và Thế Giới. Nó có quan hệ rất gần với loài A. Percula có màu cam, và thường sống ở nơi có hải quỳ. Cả Amphiprion ocellaris và A. Percula đều sinh sống ở các rạn san hô vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Fiji và các vùng Tonga.
Cá Mặt Hề Amphiprion Ocellaris tại việt Nam được biết đến nhiều với cái tên Cá Nemo. Hiện nay, cá nemo trên thị trường cá cảnh biển Việt Nam đến từ 2 nguồn chính là : ” đánh bắt tự nhiên ” và ” nuôi nhân tạo “.
Nếu như điểm mạnh của khai thác tự nhiên là thu được những cá thể to khỏe và màu sắc sặc sỡ hơn thì nuôi nhốt cũng có những ưu điểm độc đáo riêng biệt. Cá Nemo nuôi nhốt rất cứng cáp và đã được thích nghi từ sớm với các điều kiện được tìm thấy trong bể cá. Do đó, nó là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người mới chơi cũng như những người chơi thủy sinh dày dạn kinh nghiệm. Cá nemo cũng có thể được nuôi chung với nhiều loại Cá Mặt Hề khác, nếu được đưa vào bể nuôi cùng một lúc.
Đối với bể có kích thước nhỏ, chỉ nên nuôi 1 cặp Cá Mặt Hề để tránh tình trạng xung đột do tranh giành lãnh thổ. Một cặp Cá Mặt Hề sẽ bao gồm 1 con lớn và 1 con nhỏ . Hai cá thể đồng kích thước sẽ dẫn đến xung đột do tranh giành vị trí đầu đàn.
nemo tự nhiên có màu sắc sặc sỡ hơn nemo nhân tạo