Mụn nhọt to bằng quả trứng nổi ở mông do tiểu đường

Mụn nhọt to bằng quả trứng nổi ở mông do tiểu đường

Bà L. phát nhọt ở mông to bằng quả trứng, sốt cao, phải nằm sấp khi ngủ, không thể đi đứng. Bác sĩ cho biết nếu không điều trị kịp thời có khả năng nhiễm trùng lan rộng, nặng hơn nữa là nhiễm trùng máu.

Mụn nhọt to bằng quả trứng nổi ở mông do tiểu đường

Luôn ôm gối bên mình

Sau gần 3 tuần điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bà N.T.L. (60 tuổi, Lâm Đồng) hết sốt, vết thương lành lặn, đi lại bình thường. Trước đó, bà không thể đi, đứng dù chỉ 1 phút. Bà luôn mang gối bên mình, kiếm được chỗ sẽ nằm ngay.

Bà L. cho biết phát hiện và điều trị tiểu đường hơn 20 năm. Đây là lần đầu tiên bà nhập viện do nhiễm trùng, nổi mụn nhọt. Bình thường bà luôn tuân thủ chế độ ăn cho người tiểu đường và tái khám đúng hẹn. Khi ở nhà, bà L. thấy đau nhiều ở mông, sờ thấy có mụn sưng. Bà đi khám ở bệnh viện gần nhà, bác sĩ nói bà có 3 mụn nhọt san sát nhau ở khe mông gần hậu môn. Mỗi cục to gần bằng đốt ngón tay cái. Bác sĩ rạch dẫn lưu hai mụn nhọt, riêng nhọt còn lại sưng đỏ nên chỉ định uống thuốc kháng sinh tại nhà.

Tuy nhiên, 3 ngày sau, bà L. sốt cao, mông đau không thể ngồi hay đi đứng. Bà được em gái đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Vừa vào khoa Cấp cứu, bà L. bỏ gối xuống giường, lập tức nằm sấp. Bà cho biết: “Tôi đau quá, đau từ mông xuống 2 chân không đi được, không ngồi được đứng một xíu là chịu không nổi.”

READ  MẮT TRÁI TỰ NHIÊN GIẬT? NGUYÊN NHÂN CỦA MẮT TRÁI GIẬT

Thạc sĩ bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết mụn nhọt của bà L. to tương đương quả trứng, căng tròn, chứa đầy mủ, người bệnh sốt cao, đau nhiều. Người bệnh được xét nghiệm cơ bản thấy chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được phẫu thuật rạch dẫn lưu mủ, truyền kháng sinh phổ rộng. Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy mủ nhiều, hôi và có nhiều mô đã hoại tử cần cắt lọc.

Bà L. được chăm sóc vết thương hàng ngày, đặt máy hút áp lực âm giúp vết thương nhanh lành, đồng thời bà L. đã được xoay vạt da để đóng mép vết thương sau khi nhiễm trùng đã được kiểm soát. Với phương thức điều trị phối hợp đa chuyên khoa, đa yếu tố như kiểm soát đường huyết, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, bổ sung dinh dưỡng, từ đó bà L. hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Bà có thể nằm nghiêng, trở mình, đi lại được. Sau 3 tuần điều trị, vết thương lành lặn, bà được về nhà.

Bác sĩ Bích cho biết không phải người bệnh tiểu đường nào có ổ áp xe, nhọt đều có thể rạch dẫn lưu mủ ngay. Người bệnh phải đảm bảo an toàn các điều kiện như kiểm soát đường huyết (dưới 180mg/dl).

Điều dưỡng khoa Nội tiết đang cho bà L. uống thuốc
Điều dưỡng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang cho bà L. uống thuốc.

Một vết xước nhỏ có thể nhiễm trùng nặng

Bác sĩ Bích cho biết bệnh tiểu đường đặc trưng với tình trạng tăng đường huyết. Bệnh gây nhiều biến chứng ở hầu hết các cơ quan trọng cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, làm người bệnh thường dễ nhiễm trùng hơn.

READ  Bí quyết luộc chuối sáp ngọt dẻo, thơm ngon, hấp dẫn

Nhiễm trùng mô mềm là biến chứng thường gặp ở người tiểu đường. Nhiễm trùng có thể xuất phát từ vết thương nhỏ trên da tạo nhiễm trùng âm ỉ, sau đó lan rộng nhanh chóng tới các vùng xung quanh. Nhiễm trùng cũng có thể bắt đầu từ các kẽ da ẩm ướt như kẽ ngón chân, vùng khe mông gần hậu môn… Người bệnh tiểu đường vệ sinh da không sạch cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Các biển hiệu của nhiễm trùng mô mềm gồm: sưng, đỏ, đau, có mủ, nổi nhọt, sốt…

Các nhiễm trùng mô mềm sâu có thể gây hoại tử, viêm xương, tủy xương. Người bệnh có thể đối diện với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nặng hơn nữa là nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do người bệnh tiểu đường có tổn thương thần kinh và mạch máu nên vết thương sẽ khó lành, dễ diễn tiến nặng, cần kết hợp điều trị đa mô thức bao gồm dùng kháng sinh, kiểm soát đường huyết, chăm sóc vết thương, và có thể phải rạch dẫn lưu hay phẫu thuật nếu cần.

Để phòng nhiễm trùng da, người tiểu đường ngoài kiểm soát tốt đường huyết cần vệ sinh tắm rửa hàng ngày sạch sẽ, lau khô người sau khi tắm. Dưỡng ẩm da, tránh thoa kem vào vùng kẽ ngón chân, khe mông, nếp gấp để tránh ẩm ướt.

Với người tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách duy trì lượng đường huyết lúc đói từ 80 – 130 mg/dl, đường huyết sau ăn 2 giờ <180mg/dl, HbA1c dưới 7%, chỉ số BMI từ 18,5 – 23 kg/m2, ngoài ra cần kiểm soát cả huyết áp và mỡ máu… Để đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định, có chế độ ăn và luyện tập phù hợp. Người bệnh có các bệnh đi kèm như rối loạn lipid, huyết áp cao… cần theo dõi điều trị phối hợp tránh gây biến chứng nguy hiểm.

READ  Workout là gì? Lợi ích và tầm quan trọng của workout trong thể hình