4 cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ tại nhà ba mẹ cần nắm rõ

4 cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ tại nhà ba mẹ cần nắm rõ

Đau mắt đỏ là bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng với nguy cơ bùng phát dịch cao. Do vậy, chủ động bỏ túi các cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ sẽ giúp bố mẹ có phương hướng xử lý phù hợp khi trẻ mắc bệnh, giúp bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ ở trẻ là bệnh gì?

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em (viêm kết mạc mắt) tình trạng lớp màng của nhãn cầu mắt bị viêm, sung huyết do sự xâm nhập của một số siêu vi. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm và bùng phát mạnh mẽ vào khoảng thời gian từ mùa Hè đến cuối Thu. Trẻ có thói quen vệ sinh mắt không đúng cách, hệ miễn dịch suy yếu, thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh đau mắt đỏ hoặc sống trong vùng dịch là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã ghi nhận 71.000 người bị đau mắt đỏ. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 3 – 4 lần so với năm ngoái và đã tạo thành dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng,… Tại bệnh viện mắt TP.HCM, bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II, III và IV, lượng bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ tăng cao, 50% số đó là trẻ em.

Bệnh đau mắt đỏ khiến mắt sưng đỏ, khó chịu
Bệnh đau mắt đỏ khiến mắt sưng đỏ, khó chịu.

Nguyên nhân đau mắt đỏ ở trẻ em

Bệnh đau mắt đỏ có thể được gây ra do sự tấn công của vi khuẩn, virus hay các phản ứng dị ứng, kích ứng với thành của thuốc nhỏ mắt, bụi bẩn, phấn hoa… Theo kết quả nghiên cứu từ các đợt dịch trong đầu năm 2023 của Sở Y tế TP.HCM, đa số trẻ bị đau mắt đỏ là do siêu vi, phổ biến là do Enterovirus và Adenovirus. Trong đó, đau mắt đỏ do Enterovirus chiếm 86% tổng số ca bệnh, dễ lây nhiễm và có nguy cơ gây bệnh mãn tính cao. Ngoài ra, một số chủng virus khác có thể gây nên bệnh đau mắt đỏ như Herpex simple virus, Coronavirus, Varicella zoster virus,… Các trường hợp nhiễm bệnh do virus gây ra, bệnh nhân thường có biểu hiện ngứa mắt, chảy nước mắt, mắt tiết dịch loãng, có nang kết dưới mí mắt và có thể nổi hạch trước tai. Bệnh thường sẽ kéo dài từ 14 – 30 ngày. (1)

Mặt khác, đau mắt đỏ do vi khuẩn thường liên quan đến các bệnh lý như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn. Các loại khuẩn thường gặp gồm Staphylococcus aureus, Chlamydia, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia, Moraxella catarrhalis, Pseudomonas aeruginosa, Neisseria gonorrhoeae,… Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn, bệnh thường không kéo dài quá 14 ngày với các triệu chứng như có vật thể lạ trong mắt, cộm mắt, mờ mắt vào buổi sáng, chảy mủ và có thể xuất hiện u nhú kết mạc, sưng hạch bạch huyết trước mang tai ở một số trường hợp hiếm gặp.

Đáng lưu ý, đau mắt đỏ có tốc độ lây lan nhanh, bắt đầu lây lan ngay trước khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài và kéo dài đến 3 ngày sau khi khỏi bệnh. Con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, ghèn mắt, mũi miệng của người bệnh – nơi tích tụ vi khuẩn, virus gây bệnh đau mắt đỏ. Việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân, thuốc nhỏ mắt hay bơi chung hồ bơi với người mắc bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Theo dõi, chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ theo từng giai đoạn

Theo các chuyên gia, bệnh đau mắt đỏ được chia làm 3 giai đoạn gồm: ủ bệnh, phát bệnh và hồi phục. Nắm rõ các triệu chứng của bệnh qua từng giai đoạn sẽ giúp bố mẹ chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ an toàn và hiệu quả hơn.

READ  Trẻ sơ sinh xì hơi và đi ngoài nhiều lần có nguy hiểm không?

1. Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ bắt đầu xâm nhập và gây tổn thương các tế bào ở kết mạc. Lúc này trẻ có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, sợ ánh sáng, đau mắt, đau vùng họng khi nuốt nước bọt hay xuất hiện hạch trước tai.

2. Giai đoạn bệnh toàn phát

Sau giai đoạn ủ bệnh, đau mắt đỏ ở trẻ chuyển sang giai đoạn phát bệnh với các triệu chứng đặc trưng như đỏ mắt (có thể đỏ một bên mắt trước, sau đó đỏ cả hai bên mắt), ghèn nhiều khiến mắt bị dính lại sau khi ngủ dậy, ngứa, cộm mắt, đau mắt,… Một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết kết mạc, có giả mạc, viêm họng hạch.

Nếu trẻ mắc bệnh chỉ đỏ một mắt, nguy cơ lây lan cho mắt còn lại là rất cao và mức độ nghiêm trọng của đau mắt đỏ giữa hai mắt có thể khác nhau. Trẻ sẽ có xu hướng dụi mắt nhiều hơn khi mắc bệnh, bố mẹ nên nhắc nhở và tránh cho trẻ dụi mắt nhằm hạn chế bệnh gây biến chứng.

3. Giai đoạn hồi phục

Đau mắt đỏ ở trẻ em khi được chăm sóc đúng cách, các dấu hiệu của bệnh có dấu hiệu thuyên giảm và không còn xuất hiện thêm triệu chứng. Mắt sẽ bớt đỏ và dần trở về trạng thái bình thường.

Trẻ dụi mắt nhiều do đau mắt đỏ
Trẻ dụi mắt nhiều do đau mắt đỏ

Điều trị trẻ bị đau mắt đỏ

Trẻ bị đau mắt đỏ nên được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi, tiền sử bệnh và mức độ nghiêm trọng của đau mắt đỏ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, gồm 3 loại:

  • Nước muối sinh lý: Khi trẻ bắt đầu có các biểu hiện bất thường ở mắt, đỏ mắt, bố mẹ có thể mua nước muối sinh lý về để vệ sinh mắt cho trẻ. Đây là loại nước nhỏ mắt phổ biến, thường được bác sĩ chỉ định khi chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và có thể được sử dụng đi kèm với một số loại nước nhỏ mắt khác để điều trị đau mắt đỏ.
  • Thuốc nhỏ mắt có kháng sinh: Trẻ bị đau mắt đỏ do vi khuẩn thường sẽ được chỉ định điều trị bằng nước nhỏ mắt kháng sinh phù hợp. Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Tobramycin (Tobrex) thường được sử dụng nhất. Ngoài ra, một số loại kháng sinh khác có thể được sử dụng như Ciprofloxacin, Ofloxacin, Dyomicin, Neomycin,…
  • Thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid: Loại thuốc nhỏ mắt này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân theo đúng liều lượng, loại thuốc bác sĩ chỉ định.
Trẻ bị đau mắt đỏ nên vệ sinh mắt sạch sẽ
Trẻ bị đau mắt đỏ nên vệ sinh mắt sạch sẽ, nhỏ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ tại nhà

Bệnh đau mắt đỏ thường được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, bố mẹ cần trang bị cho mình các cách chăm sóc trẻ đúng cách nhằm giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế sự lây lan của bệnh.

1. Giữ vệ sinh cho mắt

Trẻ bị đau mắt đỏ cần được vệ sinh mắt thường xuyên và đúng cách. Mẹ nên dùng một chiếc gạc hoặc khăn sạch đã được khử khuẩn, thấm nước sạch và cẩn thận lau quanh vùng mắt cho trẻ. Trẻ có ghèn mắt, mẹ nên dùng tăm bông lấy hết ghèn cho trẻ. Khi vệ sinh mắt cho trẻ, mẹ nên thực hiện từ mắt không bị nhiễm sang mắt bị nhiễm, từ mắt bị nhẹ sang mắt bị nặng. Tăm bông, gạc, khăn sau khi lau mắt cho trẻ cần được xử lý đúng cách.

READ  10 cách giúp ngủ nhanh và ngon hơn

2. Giảm sự lây lan của nhiễm trùng

Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, cả nam và nữ, cả trẻ em, người trưởng thành hay người già. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, người chăm sóc, bố mẹ, người thân cần chú ý thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Hơn nữa, bố mẹ nên nhỏ mắt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn chặn nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng và lây lan đến các cơ quan khác trong mắt.

3. Ngăn ngừa sự tái nhiễm

Đau mắt đỏ có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau nên khi đã được chữa khỏi bệnh, trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Vậy nên, bố mẹ không nên chủ quan sau khi trẻ đã khỏi bệnh, thay vào đó, hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ để ngăn chặn sự tái nhiễm ở trẻ.

4. Thực hiện lối sống lành mạnh

Khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, bố mẹ nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học để bổ sung đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn để giúp cơ thể đào thải tác nhân gây bệnh ra ngoài và bù lại lượng nước đã mất do các triệu chứng của bệnh gây ra.

Ngoài ra, trẻ nên xây dựng các thói quen lành mạnh nhằm giúp cơ thể khỏe khoắn, tăng cường miễn dịch như tập thể dục hàng ngày, cân bằng thời gian ngủ nghỉ và học tập. Đau mắt đỏ khiến mắt của trẻ bị tổn thương, bố mẹ lưu ý nên tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình, tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác.

Lưu ý, trẻ bị đau mắt đỏ dưới 3 tháng tuổi hoặc đã từng đau mắt đỏ cần được đưa đến bệnh viện thăm khám ngay khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh. Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm hay xuất hiện bất thường như:

  • Nước mắt có mủ
  • Sốt cao
  • Phát ban
  • Mờ mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Trẻ bị đau mắt đỏ ăn gì?

Trẻ bị đau mắt đỏ nên được thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh và đủ chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin A, vitamin C và kẽm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm viêm. Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều axit béo, omega-3 còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi các tác động từ bên ngoài, giúp mắt khỏe mạnh.

Một số thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho mắt, bố mẹ nên thêm vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ bị đau mắt đỏ như:

  • Sữa tươi: Bổ sung vitamin A, kẽm, DHA, EPA, vitamin C, vitamin E và một số dưỡng chất khác giúp tăng cường sức đề kháng, nhanh hồi phục sức khỏe.
  • Bơ: Bổ sung vitamin A, lutein, zeaxanthin, vitamin C, vitamin E, axit béo không bão hòa,… giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ hồi phục các tổn thương cho mắt.
  • Cà rốt: Bổ sung beta-carotene và các dưỡng chất khác giúp tăng cường sức đề kháng cho mắt.
  • Bí ngô (bí đỏ), đu đủ: Bổ sung beta-carotene, lutein, zeaxanthin, kali, sắt,.. giúp kháng khuẩn, tăng cường sức khỏe cho mắt, phục hồi các tổn thương ở mắt và tránh các tác động từ môi trường.
  • Ngoài ra, mẹ nên tăng cường cho trẻ ăn các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho mắt như rau xanh, cà chua, xoài, các loại cá béo,…
READ  7 Cách giảm đau bụng kinh tại nhà cho hiệu quả ngay lập tức

Trẻ bị đau mắt đỏ kiêng gì?

Bên cạnh các thực phẩm nên ăn, trẻ bị đau mắt đỏ nên hạn chế ăn các thực phẩm dưới đây để rút ngắn thời gian điều trị bệnh, bệnh nhanh chóng hồi phục:

  • Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, đồ cay nóng, nhiều gia vị: Những thực phẩm này thường chứa nhiều natri, khiến cơ thể mất nước, gây khô mắt. Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm này còn có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm, khiến tình trạng viêm trở nên nặng nề hơn.
  • Rau muống: Mặc dù rau muống là một thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe nhưng nó cũng chứa một số chất có thể gây kích thích mắt, khiến mắt tăng tiết dịch, tăng gỉ mắt, kéo dài thời gian hồi phục.
  • Bánh kẹo, nước ngọt, thức uống có ga, cà phê: Những thực phẩm này có thể khiến mắt chảy nhiều ghèn, khó chịu và lâu hồi phục.
  • Các thực phẩm dễ gây dị ứng: Trong thời gian bị đau mắt đỏ, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây kích ứng như đậu phộng, hải sản,…

Cách phòng ngừa trẻ bị đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa. Tuy nhiên, bố mẹ có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng các biện pháp dưới đây:

  • Xây dựng môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ: Không gian sống, khu vui chơi, phòng ngủ của trẻ nên được dọn dẹp gọn gàng, vệ sinh và khử trùng định kỳ. Vỏ gối, ga giường, chăn màn của trẻ nên được thay và giặt giũ thường xuyên.
  • Giữ vệ sinh cá nhân: Trẻ nên được tắm gội, vệ sinh cơ thể mỗi ngày nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng, dung dịch khử khuẩn, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hạn chế đưa tay lên mắt.
  • Thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc: Trẻ nên đeo khẩu trang, hạn chế đến những khu vực đông người, nhất là vùng dịch. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch suy yếu, bố mẹ lưu ý tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị đau mắt đỏ.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trên đây là những thông tin hữu ích về cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà. Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính nhưng chăm sóc không đúng cách sẽ khiến bệnh trở nặng, gây biến chứng như loét giác mạc, mù lòa,… Do vậy, khi trẻ bị đau mắt đỏ, tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp.